Bộ Xây dựng vừa có báo cáo kết quả triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kèm những lý giải về tiến độ giải ngân chưa được như ý.
Gói 30.000 tỷ: Lần đầu nên hơi chậm
Theo đó, sau hơn hai năm thực hiện, tổng số tiền đã giải ngân là 7.155 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ cho khoảng 17.000 hộ được cải thiện nhà ở.
Theo Bộ Xây dựng, dù tốc độ giải ngân đang được cải thiện, song về tổng thể, kết quả giải ngân như vậy vẫn là chưa đạt được như kỳ vọng.
Theo Bộ này, nguyên nhân là do chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới làm lần đầu, vì vậy không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc.
Trên thực tế khảo sát cho thấy, mặc dù lãi suất vay có thấp hơn lãi suất thương mại, nhưng người dân cũng phải chi trả một khoản đáng kể trong tổng thu nhập hàng tháng nên người dân vẫn còn ngại ngần.
“Nói vậy chứ vay 500 triệu, tháng cũng phải trả ít nhất vài triệu tiền lãi cộng vài triệu gốc, tính ra mất đứt thu nhập của một trong hai người lao động chính của gia đình. Nhỡ một người mất việc là chết dở”, anh Hoàng Mạnh Thắng, vừa bỏ kế hoạch vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng, cho biết.
Trong khi đó, phía ngân hàng khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là hộ gia đình cá nhân nên vẫn còn khá dè dặt, chưa thể mạnh tay cho vay rầm rộ trong thời điểm này.
Trên 9 triệu không được vay, dưới 9 triệu không cho vay
Mới đây, để đẩy nhanh quá trình giải ngân, ngoài 5 ngân hàng được chỉ định triển khai gói 30.000 tỷ là BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank và MHB, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung thêm 8 ngân hàng thương mại khác cùng tham gia cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng, gồm Eximbank, Baoviet Bank, SCB, PvComBank, TPBank, OCB, VPBank và SeABank.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM), đến nay dư nợ gói 30.000 tỉ đồng chỉ tập trung ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó nhiều nhất là BIDV, kế đến là Vietcombank, VietinBank.
“Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao, trong tháng 5-2015 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có đoàn công tác đến làm việc với một số đơn vị tham gia cho vay chương trình này. Tại buổi làm việc, các ngân hàng đã nêu ra hàng loạt vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chương trình, trong đó mấu chốt là quy định về đối tượng vay phải là người thu nhập thấp”, ông Minh cho biết.
Nhiều người cho rằng điều kiện về mức thu nhập đang đánh đố người vay do thu nhập trên 9 triệu đồng/ tháng bị cho là có thu nhập cao, không đúng đối tượng, còn dưới 9 triệu đồng/tháng ngân hàng lại từ chối do không đủ khả năng trả nợ.
“Quy định như vậy quả thật đánh đố người vay vì nếu thuộc đối tượng thu nhập thấp theo quy định, sau khi trừ chi phí sinh hoạt không đủ đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng. Còn người có thu nhập cao hơn, đủ khả năng trả nợ ngân hàng lại không được vay. Vướng mắc này nằm ở phía Bộ Xây dựng”, ông Minh cho biết.
Thời gian qua các ngân hàng đã kêu rất nhiều nhưng trong văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mới đây, Bộ Xây Dựng vẫn cho rằng không thể bỏ điều kiện chứng minh thu nhập thấp.
Theo muabannhadat