Năm 2015 tiếp tục đánh dấu một năm sôi động hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp dự án trong lĩnh vực bất động sản. Các “đại gia” địa ốc vẫn thể hiện rõ sức mạnh tài chính của mình trong mỗi nước cờ M&A và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2016.
Những thương vụ đình đám
Năm qua, các thương vụ M&A dự án bất động sản diễn ra sôi động ở nhiều phân khúc. Sân chơi này vẫn là cuộc đua của các đại gia thể hiện tiềm năng, sức mạnh tài chính của mình. Những cái tên như Vingroup, Novaland, VID Group, Keppel Land, Lotte…vẫn đang chiếm lĩnh trên thị trường trong hoạt động M&A bất động sản.
Trong năm 2015, khá nhiều dự án lớn tên tuổi đã có chủ mới như Casino Nam Hội An, StarCity Centre, CeladonCity, Indochina Plaza Hanoi, Daimond Plaza, Hyatt Regency Danang,…Thương vụ đình đám nhất có thể kể tới như dự án StarCity Centre về tay Vingroup, Celadon City về tay Gamuda, Chow Tai Fook thâu tóm Casino Nam Hội An…
Các “đại gia” địa ốc vẫn thể hiện rõ sức mạnh tài chính của mình trong mỗi nước cờ M&A.
Nổi danh trên thị trường M&A hiện nay, phải kể đến Vingroup lại ghi dấu ấn của mình trên “đấu trường” này năm 2015 bằng việc trở thành chủ sở hữu hàng loạt khu đất vàng có vị trí đắc địa bậc nhất tại Thủ đô như Triển lãm Giảng Võ, Starcity Center, Khu 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi,… Ngoài ra, Vingroup còn tham gia đấu giá và mua lại cổ phần tại nhiều doanh nghiệp có quỹ đất lớn tại các tỉnh, thành phố lớn như TP. HCM, Đà Nẵng…
Đại gia tăng tốc và những “nước cờ” mới
Novaland cũng ghi dấu trong vòng 3 năm, “đại gia” địa ốc này đã thâu tóm tới 25 dự án. FLC, Him Lam, Đất Xanh, Hưng Thịnh Corp,… cũng là những tên tuổi nổi bật với hàng loạt các thương vụ M&A đình đám kể từ năm 2014 trở lại đây.
Bên cạnh những tên tuổi lớn, thị trường bất động sản còn ghi nhận nhiều “đại gia” mới nổi khác đang nỗ lực tái cấu trúc thị trường nhờ hoạt động M&A. Ngoài các nhà đầu tư nội, hoạt động M&A thời gian qua còn đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài, với những thương vụ hàng trăm triệu USD như Creed Group chi 200 triệu USD mua lại cổ phần, cho vay và đầu tư vào các dự án nhà ở của An Gia Investment ; Warburg Pincus rót thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail (thuộc Vingroup), nâng tổng mức đầu tư lên 300 triệu USD nhằm phát triển chuỗi trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam với thương hiệu Vincom…
Lễ ký kết quỹ Creed Group và An Gia Investment
Trong năm 2015, con sóng ngầm thâu tóm đất vàng diễn ra mạnh mẽ. Trong đó nổi lên là các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam như Vingroup, VID Group, Novaland, BRG,…đều tỏ ra quá mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động mua bán sáp nhập và hợp tác đầu tư dự án diễn ra khá nhộn nhịp, một phần là do chu kỳ phát triển tất yếu và tốt cho thị trường, sau một thời gian dài trầm lắng hiện thị trường bất động sản đã bắt đầu sôi động trở lại. Bên cạnh đó thị trường bất động sản được “nâng đỡ” bởi nhiều chính sách thuận lợi như Luật kinh doanh BĐS, Luật nhà ở 2014 mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, năm 2016 hoạt động M&A sẽ nối nhịp và tiếp tục sôi động. Ngay cả những doanh nghiệp cũng đưa ra những nhận định sáng cho hoạt động M&A. Giám đốc một công ty địa ốc cho rằng, năm 2016, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi thêm vào đó do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng nên xu hướng M&A trong lĩnh vực này sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2016-2017.
Có ý kiến cho rằng, những thương vụ được công bố vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản thường phức tạp, đòi hỏi phải hoàn thiện nhiều thủ tục nên cả bên bán lẫn bên mua đều không muốn công bố. Trừ khi bên mua hoặc bên bán là các công ty niêm yết phải công bố thông tin theo quy định, còn không chỉ đến khi nào hoàn tất thủ tục, dự án hoạt động trở lại hoặc triển khai bình thường thì người mua mới công bố. Điều này khiến cuộc chơi M&A bất động sản tới đây hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ ẩn chứa “nước cờ” riêng của các đại gia.
Nhận định về thị trường, chia sẻ trên báo chí ông Lê Hoàng Châu cho rằng, để cạnh tranh, các chủ đầu tư phải tạo ra sự khác biệt của sản phẩm, nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, giá cả hợp lý, phương thức thanh toán linh hoạt, có nhiều giải pháp hỗ trợ người mua nhà, điều tiết tiến độ sản phẩm đáp ứng nhu cầu và sức mua của thị trường tại từng thời điểm, để đảm bảo tính thanh khoản, không để xảy ra tình trạng nguồn cung quá lớn so với nhu cầu thực. Cuộc đua thương hiệu của các doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tạo ra những sản phẩm đột phá đem đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Phong Vân