Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về những hạn chế, bất cập của các dự án BOT vào hạ tầng giao thông tại hội nghị của Bộ Giao thông vận tải diễn ra sáng nay
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết thực hiện vốn BOT và BT giai đoạn 2011 – 2015 của Bộ Giao thông Vận tải, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là xương sống, có ý nghĩa để thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó có hạ tầng giao thông, đô thị. Do đó, việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, đặc biệt là triển khai các dự án BOT có ý nghĩa quan trọng.
Tuy nhiên, ông Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng thu hút và vận hành các dự án BOT. Theo Phó Thủ tướng, không ít công trình với chất lượng còn thấp, có hiện tượng lún, nứt làm ảnh hưởng đến sự an toàn của phương tiện và con người, gây bức xúc cho xã hội.
Đáng chú ý là có những nhà đầu tư tính toán chưa chính xác về dự án. Điều này thể hiện ở chỗ, khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với xác định ban đầu, nên khi kiểm tra quyết toán có sự chênh lệch. Trong khi việc bố trí các trạm thu phí chưa hợp lý, khiến người dân bức xúc.
“Điều này làm tăng chi phí đầu vào cho sản phẩm, tăng thời gian thu phí cho người và phương tiện đi lại, làm giảm sức canh tranh của các sản phẩm và nền kinh tế” – Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra.
Hiện nay, việc huy động vốn BOT chỉ có doanh nghiệp trong nước tham gia, mà chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân là do thiếu quy hoạch BOT tổng thể, phân bổ nguồn lực cho đầu tư công trình hạ tầng giao thông.
Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Nhà đầu tư nhiệt tình nhưng chưa có quy hoạch, chưa xác định đường nào cần BOT, cần ngân sách và nguồn vốn khác nhau, nên còn bị động. Thiếu xác định quy hoạch trạm thu phí cho hợp lý”.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cho hạ tầng giao thông còn bất cập, chưa sử dụng hiệu quả như cơ chế quản lý vốn hỗn hợp. Việc tham gia đầu tư vào các dự án này mới chỉ có các nhà đầu tư và ngân hàng, nên chưa có cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và DN.
Theo Phó Thủ tướng, để tạo nền tảng công nghiệp hóa – hiện đại hóa thì hạ tầng giao thông phải đồng bộ, bao gồm cả giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy và đường hàng không. Tuy nhiên, cơ cấu hiện nay có 75% là đường bộ, theo Phó Thủ tướng là bất hợp lý, tạo áp lực lên hạ tầng giao thông lớn.
So sánh với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc kêu gọi vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, để xây dựng hệ thống giao thông phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước, thì Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Phó Thủ tướng dẫn chứng: “Từ nay đến năm 2020, trong chiến lược phát triển 10 năm thì phải có 2.000 km đường bộ cao tốc nhưng nay mới chỉ 760 km trong khi nguồn lực của ta vô cùng khó khăn. Vân Nam (PV-Trung Quốc) dân số bằng nửa ta nhưng đã có 6.000 km đường cao tốc, trong khi đất nước ta 90 triệu dân mà chưa được 1.000km đường cao tốc”.
Do đó, việc huy động nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng là rất cần thiết. Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục rà soát quy hoạch hạ tầng giao thông gắn đề án tái cấu trúc ngành, hướng tới phát triển hài hòa và có cơ cấu hợp lý giữa các phương tiện vận tải, giữa các loại đường bộ, đường sắt, đường thủy… quy hoạch trạm thu phí.
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách pháp luật liên quan để huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.
Thứ ba, tăng cường kiểm soát nhà nước về đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, nhận thức lại bản chất dự án BOT. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng đầu tư BOT là hình thức đầu tư trả chậm, thay vì ngân sách thì người dân trả phí, nên phải kiểm tra chặt chẽ từ chuẩn bị lập dự án đến thiết kế, xây dựng, nghiệm thu bàn giao…
Thứ tư, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát chính sách phí theo chỉ đạo của Chính phủ, ban hành thông tư hướng dẫn về giá phí với BOT khi Luật giá có hiệu lực; hướng dẫn quyết toán hợp đồng BOT.
Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại và bộ ngành chức năng địa phương để thẩm định dự án BOT, thu hút và kêu gọi nhà đầu tư vào các dự án này.