Các chuyên gia cho rằng giá căn hộ đang cao hơn ở tất cả các hạng trong 5-10 năm tới. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm những công ty đang nắm nhiều quỹ đất sạch, hay có các dự án nằm không quá xa khu trung tâm để hợp tác bằng cách mua lại một số lượng căn hộ nhất định để bán cho khách hàng.
Căn hộ An Gia Skyline là sự hợp tác giữa quỹ Creed Group & An Gia Investment
Tại cuộc họp báo công bố thông tin thị trường BĐS TPHCM quý 1/2019 diễn ra ngày 2/4 của Savills Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu của đơn vị này cho rằng trong bối cảnh sự sụt giảm của nguồn cung trên thị trường hiện nay thì sự quan tâm của người nước ngoài về thị trường căn hộ ngày càng rõ hơn ở các dự án cao cấp, hạn ngạch 30% sản phẩm dành cho người nước ngoài nhanh chóng được lấp đầy.
Đây cũng là lý do cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng rót vốn vào thị trường, săn doanh nghiệp nội có quỹ đất tốt để hợp tác phát triển. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần khi mà các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường BĐS Việt Nam ở mọi phân khúc.
Các chuyên gia cho rằng giá căn hộ đang cao hơn ở tất cả các hạng trong 5-10 năm tới. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm những công ty đang nắm nhiều quỹ đất sạch, hay có các dự án nằm không quá xa khu trung tâm để hợp tác bằng cách mua lại một số lượng căn hộ nhất định để bán cho khách hàng.
Số liệu của UBND TPHCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2019, tính cả vốn đầu tư mới và thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, TPHCM đã thu hút được 1,02 tỷ USD (bằng 94,7% so với cùng kỳ). Trong đó, TPHCM chấp thuận cho 554 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 894,14 triệu USD (so với cùng kỳ, tăng 28% về số trường hợp và tăng 2,2% về vốn đầu tư). Tương tự như trong năm 2018, dòng vốn này chủ yếu vào ngành bất động sản và luôn chiếm tỷ trọng vốn đăng ký đầu tư cao.
Những thương vụ lớn trong lĩnh vực bất động sản TPHCM được tiến hành, như thương vụ Công ty TNHH VinaCapital Opportunity Fund chuyển giao 34,18% cổ phần của Green Park Estate, một dự án tổ hợp với quy mô 15,7 ha tại quận Tân Phú.
Vào tháng 3/2018, CapitaLand cũng đã công bố mua lại khu đất 0,9 ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội có giá trị khoảng 685 tỉ đồng (tương đương 29,78 triệu USD). Không lâu sau đó, trong Q3/2018, CapitaLand tiếp tục thâu tóm khu đất rộng 6 ha tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM có giá trị 1,38 nghìn tỉ đồng(tương đương 60 triệu USD).
Một đại gia bất động sản khác là Frasers Property đã công bố việc ký kết hợp đồng mua cổ phần điều kiện với Công ty TNHH Trần Thái Lands, để mua lại 75% vốn phát hành của Công ty Cổ phần Bất động sản Phú An Khang (PAK,) và Công ty cổ phần Bất động sản Phú An Điền (PAD). Dự kiến, hai đơn vị PAK và PAD sẽ đảm nhận việc phát triển các dự án dân cư kiêm thương mại tại quận 2 và quận Thủ Đức của TPHCM.
Trong số những giao dịch đáng chú ý còn có việc Keppel Land thoái vốn cổ phần trong dự án phát triển của Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát (QLP) tại quận 2, TPHCM. Tập đoàn bất động sản Malaysia Berjaya Land Berhad cũng tuyên bố rằng họ đã thoái toàn bộ 32,5% vốn góp còn lại của mình tại Berjaya Vietnam Financial Center Limited (BVFC) cho Công ty Cổ phần Vinhomes và Công ty Cổ phần Đô thị Du Lịch Cần Giờ với tổng trị giá là 884,9 tỉ đồng (khoảng 38,47 triệu USD).
Đánh giá về những lợi ích mà vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản, giới chuyên môn nhìn nhận, dòng vốn ngoại này sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất quan tâm đến tài sản tạo ra dòng tiền như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ và khách sạn nằm ở khu trung tâm. Nhóm thứ hai tập trung hướng đến việc phát triển nhà ở. Họ phối hợp với các nhà đầu tư trong nước, nhất là các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất để xây dựng chung cư hay khu biệt thự. Hiện cuộc đua bất động sản đang trở nên nóng hơn khi có sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, ghi nhận lượng đầu tư thiết lập kỷ lục trong những năm gần đây.
Đại diện Hội Môi giới bất động sản cho rằng, bất động sản TPHCM đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, ngoài ra còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu. Tất cả các phân khúc thương mại và nhà ở đều đang được nhắm tới.
Tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” do báo Thanh Niên tổ chức hôm qua (2/4), ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures cũng cho biết: Theo nghiên cứu của Bain & Company, là một Công ty nghiên cứu về quản lý trên thế giới dự đoán rằng trong vòng 3-5 tới sẽ có 70 tỷ USD được đầu tư vào thị trường Đông Nam Á, trong đó 90% dòng vốn của các nhà đầu tư trên thế giới xác định Việt Nam và Indonesia là hai điểm đến quan trọng nhất.
“Do vậy, theo quan sát cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam của chúng ta hiện nay đang nắm giữ thế chủ động khi tình hình đang thay đổi nhanh. Ở đây, các công ty trong nước chủ động hơn khi tìm kiếm dòng vốn nước ngoài bởi họ nắm trong tay nhiều lợi thế”, vị này cho biết thêm.
Chia sẻ về việc săn nguồn đầu tư, ông Khanh cho biết VinaCapital Ventures nhìn vào thị trường, sản phẩm để nghiên cứu xem liệu sản phẩm của doanh nghiệp tạo ra có thị trường đủ lớn hay không. Đội ngũ sáng lập của doanh nghiệp có tầm nhìn và có khả năng thực thi tầm nhìn của mình hay không?. “Chúng tôi thích những doanh nghiệp khởi nghiệp mà mỗi người trong đó một kỹ năng khác nhau về tài chính, về công nghệ, số hóa, cách bán hàng hơn là những công ty mà chỉ có một người giỏi để điều hành tất cả mọi thứ”, ông Khanh nói.
Chia sẻ tại hội thảo này về quá trình “săn” được khoản đầu tư 200 triệu USD từ một quỹ đầu tư Nhật Bản – Creed Group, ông Nguyễn Trung Tín, Tổng Giám đốc An Gia Investment cho biết: “Kể từ khi chính thức ký hợp đồng hợp tác với quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group vào tháng 7/2015, đến nay hai bên đã hợp tác với nhau tại 6 dự án bất động sản; An Gia Riverside, An Gia Skyline, River Panorama 1, River Panorama 2 Sky 89 River City, Singial “.
Trong quá hợp tác thì bản thân An Gia Investment gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là do đội ngũ lãnh đạo của công ty vẫn còn trẻ, hầu hết là thế hệ 8X nên khi hợp tác với Quỹ Nhật Bản Creed Group đã gặp rất nhiều sự khác biệt về văn hóa, cách làm việc, tiêu chuẩn quốc tế…
Và chiếc “chìa khóa bí mật” để giúp An Gia vượt qua tất cả những rào cản đó là phải chia sẻ hết tất cả những khó khăn, phải giúp đối tác lường trước rủi ro mà họ có thể đối mặt, bởi điều này sẽ giúp họ chuẩn bị nhiều kịch bản để phòng vệ. Thông qua những trao đổi thẳng thắn như vậy thì các đối tác cũng sẽ hiểu được văn hóa, hiểu được cách làm của doanh nghiệp Việt.
“Có thể nói, để hợp tác với quỹ nước ngoài một cách bền vững, điều quan trọng nhất là xây dựng niềm tin và khi có niềm tin thì tất cả khó khăn đều được giải quyết, làm sao để hai bên cùng hỗ trợ nhau để giải quyết khó khăn để đi đường dài, xây dựng những sản phẩm có thương hiệu mang tính chất lâu dài, chứ không đưa lợi nhuận là tiêu chí cao nhất trong quan hệ hợp tác”, ông Tín chia sẻ.
Trong khi đó, một nhà đầu tư Nhật Bản thì cho rằng thị trường BĐS Việt Nam hiện đang đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Nhật Bản, chính vì thế các nhà đầu tư nước này không muốn bỏ lỡ cơ hội này.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản thiết lập chuỗi giá trị rất khắt khe về tính minh bạch pháp lý của dự án, tiêu chuẩn chất lượng, tiến độ và vận hành, đảm bảo mang lại lợi nhuận đầu tư theo đúng cam kết. “Khi chọn lựa đầu tư vào một doanh nghiệp Việt, chúng tôi luôn mong họ sẵn sàng chia sẻ, trao đổi với chúng tôi để đạt đến các cam kết thỏa thuận chung mà không có bất kỳ che giấu thông tin nào dù là tốt hay xấu. Đặc biệt, chúng tôi tránh bài học ép đối tác phải ký thoả thuận theo hướng có lợi cho chúng tôi”, nhà đầu tư này cho biết thêm.
Về thị trường bất động sản Việt Nam, ông Yamamuchi Masakazu – Trưởng đại diện Quỹ Creed Group (Nhật Bản) nhận xét, giá phân khúc nhà ở cao cấp tại Việt Nam đang bị đẩy lên cao nhưng vẫn còn nhiều dư địa nếu có những sản phẩm bất động sản hợp lý.
“Người tiêu dùng hiện nay thông minh hơn, có nhiều chọn lựa hơn. Nếu nhà đầu tư không cẩn trọng, không uy tín thực hiện đúng cam kết, thiết kế, sẽ bị mất uy tín và sớm bị đào thải khỏi thị trường. Chúng tôi chưa có kế hoạch đầu tư văn phòng cho thuê, nhưng tôi có niềm hứng thú với loại hình đầu tư này và tin rằng, trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều sản phẩm phân khúc văn phòng hạng A phát triển”, vị này chia sẻ.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ