REIC – Tồn tại qua giai đoạn khó khăn của thời kỳ thị trường khủng hoảng đã là một thử thách không nhỏ đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Đối với các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án khó khăn đó là làm sao để xoay vòng vốn triển khai dự án, làm sao để bán được sản phẩm, sản phẩm nào đang được khách hàng quan tâm?
Để trả lời hàng trăm câu hỏi hóc búa như trên, hầu hết các doanh nghiệp đều cần phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng, xây dựng chiến lược sản phẩm,… Và khi đã định vị ra được ‘đại dương xanh’ của doanh nghiệp mình, thì thành quả thu về cũng thật sự xứng đáng.
Với thị trường bất động sản Việt Nam, chu kỳ khủng hoảng – phục hồi được cho là giai đoạn 2008 kéo dài đến 2013. Năm 2014 là điểm khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới. Hãy cùng nhìn lại 10 doanh nghiệp năng động nhất trên thị trường trong năm vừa qua để khám phá xem họ đã tạo ra ‘đại dương xanh’ hay ‘đại dương đỏ’ như thế nào.
1. Novaland
Sự kiện lễ kỷ niệm 22 năm thành lập Novaland và trưng bày các dự án. Nguồn: Novaland.
Chỉ tính riêng năm 2014, Novaland đã mua lại 12 dự án gồm Galaxy 9, Icon 56, Botanica Residence, River Gate, Lucky Palace, The Princess Residence, The Tresor, Newberry Residence, Garden Gate, Orchard Garden, The Sun Avenue, Winton Tower. Bên cạnh đó là 2 dự án khác tại Quận 1 và Quận 5 đã nhận chuyển nhượng nhưng chưa công bố chính thức.
Chiến lược của Novaland tập trung vào các sản phẩm trung và cao cấp có vị trí trung tâm hoặc ven trung tâm. Tập trung vào các khu dân cư lâu đời như Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Quận 4, Quận 5.
Mục tiêu của Novaland đặt ra trong kế hoạch năm năm 2011-2016 là cung cấp 5.000 ngôi nhà cho người dân Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm 2014, Novaland đã bán được 3.000 ngôi nhà trong tổng số 9.964 căn nhà mà họ đang và sẽ phát triển đến năm 2016.
Chưa dừng lại tại đó, Novaland cũng đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm từ các biệt thự sang nhà liên kế phố kết hợp giữa ở với kinh doanh, trung tâm thương mại kết hợp mô hình bán lẻ theo lô (bazaar), căn hộ ở kết hợp với văn phòng (officetel),…
2. Vingroup
Luôn là nhà tạo tập thị trường, Vingroup tập trung phát triển những dự án có quy mô lớn, vị trí chiến lược tại những thành phố trọng yếu của Việt Nam.
Phối cảnh Khu đô thị Vinhomes Central Park. Nguồn: Vingroup.
Trong năm qua, Vingroup đã khởi công xây dựng dự án Vinhomes Central Park, dự án khu đô thị hiện đại và cao cấp bậc nhất Việt Nam với quy mô 43,91 hectare, tổng vốn đầu tư khoảng 34.000 tỷ đồng. Đây là dự án bất động sản nhà ở có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, cung cấp 10.000 căn hộ cao cấp, officetel, duplex, penthouse, 76 căn biệt thự, một bệnh viện theo chuẩn quốc tế, một trường liên cấp, và đặc biệt là một tòa tháp phức hợp trung tâm thương mại – văn phòng – khách sạn cao 81 tầng, sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam vào thời điểm hoàn thành 2017.
Ở Hà Nội, Vingroup cũng khởi công giai đoạn 2 của dự án khu đô thị Times City và một khu phức hợp đắc địa bậc nhất trung tâm thành phố, dự án Vinhomes Nguyễn Chí Thanh.
Bên cạnh mảng phát triển nhà ở, Vingroup cũng tích cực phát triển mở rộng đa ngành. Nổi bật trong số đó là việc mua lại hàng loạt trung tâm thương mại và siêu thị như Grand Mall (Khánh Gia), Ocean Mart (Ocean Group), 79 Mart (Alphanam),… để phát triển mở rộng chuỗi bán lẻ bên cạnh những Vincom Mega Mall và Vincom Center đã nổi tiếng trước đây.
3. FLC Group
Là một công ty non trẻ với tuổi đời chỉ mới 6 tuổi với vốn điều lệ ban đầu chỉ 18 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2014 vốn điều lệ của FLC là hơn 3.148 tỷ đồng, tức đã 178 lần so với ngày đầu thành lập.
Phối cảnh dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng. Nguồn: FLC Group.
Trong năm 2014, bên cạnh việc đi mua thêm 02 dự án tại Hà Nội như FLC Complex 36 Phạm Hùng và The Lavender, FLC còn mở rộng phạm vi phát triển sang các địa phương tiềm năng khác như Khu nghỉ dưỡng FLC Samson Golf Links 5.500 tỷ đồng, FLC Complex Thanh Hóa 1.200 tỷ đồng, Khu trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa 7.000 tỷ đồng, và xúc tiến quá trình đầu tư dự án Bãi Vòng – Phú Quốc với quy mô 28.000 tỷ đồng.
Sự năng động của FLC thể hiện ở kết quả kinh doanh đáng nể. Năm 2014, lợi nhuận của FLC đạt trên 400 tỷ đồng, một con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành.
4. Đất Xanh Group
Hơn 1.000 sản phẩm từ dự án chủ lực Sunview Town được đặt mua trong năm qua đã phần nào nói lên sức hút của Đất Xanh trên thị trường. Không dừng lại tại đó, trong năm 2014, Đất Xanh tiếp tục mua vào 4 dự án khác để mở rộng phân khúc sản phẩm. Trong đó có thể kể tới: Riverside Garden (Thủ Đức), Thủ Lợi 4 Rạch Chiếc (Quận 9), Cảng Rau Quả (Quận 7) và CT15 Việt Hưng (Long Biên – Hà Nội).
Một buổi bán hàng của Đất Xanh Group. Nguồn: Đất Xanh.
5. Khang Điền
Từ bỏ mảng biệt thự cao cấp nhắm vào phân khúc khách hàng giàu có, Khang Điền chuyển sang làm sản phẩm nhà liên kế dạng compound với diện tích vừa phải, giá cả hợp túi tiền của đa số khách hàng.
Sản phẩm đầu tay là Mega Residence được xây dựng trên diện tích 32.048 m2, bao gồm 160 căn nhà có diện tích đất thổ cư từ 75 m2, diện tích sử dụng từ 135.8 m2. Ngay khi mở bán đợt đầu tiên trong tháng 03, Mega Residence đã gây sốt với 70 sản phẩm được đặt mua, trong đó 60 ngôi nhà đã hoàn thiện và phần còn lại đang được xây dựng. Giá trị mỗi căn nhà bao gồm đất và chi phí xây dựng vào khoảng 2,2 tỷ đồng.
Một góc Mega Residence đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nguồn: Khang Điền.
Sau thành công của Mega Residence, Khang Điền tiếp tục triển khai Mega Ruby gồm 235 ngôi nhà liên kế cùng nằm trong quần thể dự án Mega.
Sự thành công của việc thay đổi chiến lược sản phẩm thể hiện ở lợi nhuận thu về năm 2014 đạt khoảng 100 tỷ đồng so với những khoản lợi nhuận -55,5 tỷ đồng (âm) năm 2012 và -124,5 tỷ đồng (âm) năm 2013.
6. Phát Đạt
Tập trung vào sản phẩm cao cấp với thương hiệu The EverRich nhưng thị trường không thuận lợi đã làm cho thanh khoản của các sản phẩm này bị chững lại. Năm 2014, Phát Đạt đã thực hiện bán sỉ 60 căn biệt thự của dự án The EverRich 3 thu về khoảng 400 tỷ đồng và tiến hành thiết kế lại khu căn hộ của dự án này. Mới đây, Phát Đạt đã phối hợp cùng với nhà thầu CotecCons khởi công giai đoạn 1 của dự án này với 1 cao ốc 28 tầng.
Cao ốc đầu tiên của dự án The EverRich 3 mới được khởi công.
Bên cạnh việc tái cơ cấu sản phẩm những dự án trước đây, Phát Đạt cũng tiến hành mua lại một dự án khác tại trung tâm Quận 5 với giá trị chuyển nhượng 500 tỷ đồng đề phát triển thành một khu phức hợp tương tự như The EverRich 1 tại trung tâm Quận 11.
7. Hưng Thịnh Corp
Từ một doanh nghiệp chuyên phân phối, Hưng Thịnh Corp giờ đây một công ty đầu tư chuyên đi ‘săn’ và phát triển dự án để đảm bảo nguồn sản phẩm cho chính hệ thống sàn giao dịch phủ khắp thành phố.
Hình ảnh buổi lễ ký hợp tác giữa Hưng Thịnh và Waseco. Nguồn: Hưng Thịnh Corp.
Trong năm vừa qua, Hưng Thịnh Corp đã tiến hành hàng loạt các thương vụ M&A như dự án Khu căn hộ cao cấp An Phú (hợp tác vơi Công ty Cổ phần Địa ốc 8), dự án 8X Plus, dự án 12 View (hợp tác với Công ty Tín Phong), dự án Khu dân cư Bình Triệu (hợp tác với Công ty Cơ khí Bình Triệu), dự án 16 Âu Cơ (hợp tác với Công ty Điện Lực), dự án Sky Center (hợp tác với Công ty Waseco).
8. An Gia
Không ồn ào với những dự án ‘khủng’ ở khu vực trung tâm thành phố hay các khu đô thị mới, An Gia chọn đi vào các dự án vùng ven, nơi có dân cư đông đúc và sản phẩm phân khúc giá phù hợp túi tiền của người thu nhập trung bình.
Phối cảnh dự án mới nhất của An Gia, An Gia Star.
Trong năm 2014, An Gia đã triển khai 2 dự án theo hình thức hợp tác đầu tư và đã tiến hành mua lại 1 quỹ đất để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai dự án mới. Các dự án án đó có thể kể tới như An Gia Garden (hợp tác cùng Công ty Nakyco), dự án An Gia Star (hợp tác với Công ty Tân Bình),…
Với việc hợp tác đầu tư và đi mua lại quỹ đất đã cho thấy chiến lược chuyển mình từ một công ty phân phối sang vai trò mới của một nhà phát triển dự án, chủ động nguồn sản phẩm cho chính mạng lưới phân phối với hàng trăm nhân viên kinh doanh của An Gia.
Theo REIC Vietnam